Figma là gì? Vì sao được định giá 10 tỷ USD?

Cứ 3 nhà thiết kế UI thì có 2 người sử dụng Figma làm công cụ chính! Đó là kết quả dựa trên một khảo sát được công bố năm 2021 bởi uxtools.co. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi hơn 3000 product designers và UI/UX designers đến từ khắp nơi trên thế giới. Vậy, Figma ra đời thế nào và vì sao nó lại trở nên phổ biến như thế?

Trang chủ Website Figma

Figma là gì?

Figma được định nghĩa là phần mềm biên tập đồ họa vector và dựng prototype (nguyên mẫu). Bộ tính năng của Figma tập trung vào việc sử dụng trong thiết kế giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX), với trọng tâm là cộng tác trong thời gian thực.

Được thai nghén từ 2012 và chính thức ra mắt năm 2016 bởi Dylan Field và Evan Wallace, Figma nhanh chóng nhận được sự đón nhận và ưa chuộng bởi những nhà thiết kế UX trên toàn thế giới. Sau đây là những điểm khiến Figma được trở thành một công cụ hoàn hảo để thiết kế giao diện người dùng.

Vì sao Figma trở thành “quán quân” trong làng công cụ thiết kế giao diện?

1. Những tính năng tuyệt vời cho thiết kế giao diện

Với định hướng từ đầu là ứng dụng dành cho thiết kế giao diện người dùng (phần lớn là website và ứng dụng di động), Figma có những tính năng rất tuyệt vời không chỉ dành cho những nhà thiết kế mà còn tiện lợi khi chuyển giao cho những nhà phát triển (coder, developer).

Một cơ sở trong việc phát triển tính năng của Figma đó là giảm thiểu tối đa những hành động lặp đi lặp lại. Điều này giúp những nhà thiết kế có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian khi thiết kế hàng loạt những yếu tố giống nhau trong các trang thiết kế của mình. 

UI Design with Figma - Tutorial
Thiết kế giao diện Website và Mobile app là thế mạnh của Figma

2. Khả năng truy cập và sử dụng

Figma được thiết kế trên nền tảng web (Web-based) đồng thời cho phép tải về ứng dụng trên nhiều hệ điều hành (MacOS, Windows, Linux). Thậm chí bạn cũng có thể sử dụng nó ở một mức độ nhất định trên cả Tablet.

Figma hỗ trợ tốt trên cả MAC lẫn Windows

Ngoài ra, Figma cũng khá “dễ chịu” với những máy tính có cấu hình trung bình – yếu. Chỉ cần kết nối mạng ổn định thì những chiếc máy tính đời cũ cũng có thể truy cập và sử dụng Figma một cách mượt mà.

3. Khả năng cộng tác

Các ứng dụng được phát triển trên nền tảng web (web-based) cho phép những người sử dụng có thể làm việc, tương tác với nhau theo thời gian thực (real-time) với độ trễ gần như bằng không. Bên cạnh đó, cách Figma cho phép bạn tổ chức các tài nguyên, chia sẻ theo team hoặc d án cũng giúp cho việc cộng tác trở nên dễ dàng hơn.

Khả năng làm việc theo đội trong Figma là cực ấn tượng

Đại dịch covid-19 khiến cho nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đột biến. Đây cũng là thời cơ “vàng” để Figma cho thấy được thế mạnh của mình. Các tính năng hỗ trợ cộng tác (theo dõi, chat, comment…) được phát huy khiến số lượng người sử dụng Figma tăng vọt trong năm 2019 và 2020.

4. Cộng đồng

Cuối năm 2019, Figma đã giới thiệu Figma Community, cộng đồng cho phép các nhà thiết kế xuất bản tác phẩm của mình, chia sẻ cho người khác tham khảo và sử dụng. Rất nhiều ý tưởng, dự án, kho tài nguyên được những nhà thiết kế chia sẻ rộng rãi và không ngừng tăng thêm từng ngày khiến cho Figma Community ngày một hoàn thiện và lớn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều diễn đàn hỗ trợ được dẫn dắt bởi những nhà thiết kế kỳ cựu hoặc chính những nhà phát triển Figma cũng hoạt động mạnh mẽ để giúp đỡ những nhà thiết kế giải quyết những trục trặc trong quá trình thiết kế và sử dụng Figma.

Explore the Figma Community
Figma community cũng là nơi chứa đựng rất nhiều thứ hay ho

5. Kho Plugins đồ sộ

Và cuối cùng, không thể không kể đến kho Plugin đồ sộ. Kho Plugin của Figma đã vượt qua (và áp đảo) những công cụ khác về số lượng với con số hơn 20,000. Chúng được phát triển và đóng góp bởi những nhà thiết kế, nhà phát triển, hay thậm chí là chính những tổ chức uy tín đã có sẵn những sản phẩm. Các Plugin này thần kỳ ở chỗ, chúng giúp bạn giải quyết những vấn đề mà đôi khi chính bạn còn không nhận ra đó là…vấn đề.

Đúng như những gì được mô tả, những Plugin này cực kỳ “powerful”

Kết luận

Với những gì mà Figma đã làm và hướng tới trong tương lai, Figma vẫn đang ngày được tin dùng và được các designer lựa chọn. Giữa năm 2021, Công ty thiết kế phần mềm Figma Inc. đã huy động được nguồn vốn mới với mức định giá 10 tỷ đô la, tăng gấp 5 lần kể từ năm ngoái. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn cũng như giá trị mà nó có thể đem lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các bài viết liên quan