12 Năng lực của thiết kế UX – Phần 2

7. Thiết kế giao diện và Prototype

Thiết kế giao diện (UI design) luôn được nhắc đến gắn liền với Thiết kế trải nghiệm (UX). Rất nhiều người thường xuyên sử dụng cụm từ UX/UI như là một từ đơn. Thiết kế giao diện cũng là một trong những lối đi gần nhất đến với thiết kế UX. Giao diện là những gì người dùng nhìn thấy, là điểm chạm đầu tiên trong hành trình UX của người dùng. Giao diện cũng là một cách tương tác với người dùng (thông qua thị giác để tiếp nhận thông tin). 

Sau khi thiết kế giao diện là lúc những nhà thiết kế sẽ biến nó thành một nguyên mẫu – prototype. Prototype sẽ mô phỏng lại toàn bộ cách mà sản phẩm hoạt động, trong khuôn khổ công cụ thiết kế. Một số công cụ có thể sử dụng để thiết kế giao diện và có thể prototype như Figma, Adobe XD, Sketch…

Thiết kế giao diện và prototype cho phép các nhóm phát triển sau đó (lập trình viên, những nhà thiết kế chuyển động…) định hình tường tận nhất có thể về sản phẩm trước khi biến nó thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Thiết kế giao diện (UI design) là một trong những kỹ năng cơ bản nhất của các nhà thiết kế UX

8. Thiết kế nội dung (UX content writing)

Nhà tư vấn & thiết kế UX kỳ cựu Jeffrey Zeldman từng nói: “Thiết kế mà không có nội dung là trang trí ”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thiết kế nội dung cho người dùng. UX writing liên quan đến việc tạo bản sao thủ công cho giao diện người dùng để mọi người biết cách sử dụng và tương tác với sản phẩm. Nó bao gồm bản hướng dẫn, các nút, nhãn menu, thông báo lỗi, bản sao biểu mẫu, điều khoản và điều kiện, v.v.,

Ai cũng có thể viết, nhưng viết UX tốt không phải là điều dễ dàng. Cũng giống như thiết kế, nó đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật vững vàng, sự đồng cảm với người dùng để sự cân bằng tinh tế giữa việc hỗ trợ mục tiêu của công ty (chẳng hạn như bán sản phẩm) với mục tiêu của người dùng (chẳng hạn như hoàn thành một nhiệm vụ nhất định).

Nội dung thường là phần ít được chú trọng trong các thiết kế, nó thường được cho là một hành động qua loa

9. Cập nhật và ứng dụng công nghệ

Công nghệ đã tạo ra những tiến bộ lớn nhất trong lịch sử loài người. Các thiết bị công nghệ cứng và các công nghệ phần mềm ngày càng đa dạng và hữu dụng. Công nghệ tốt đóng góp và mang nhiều giá trị cho đời sống nhưng cũng tạo ra những thách thức bất ngờ về tâm lý, xã hội và sức khỏe. Những nhà thiết kế UX làm việc và phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển công nghệ. Do đó, họ cần phải chuẩn bị kiến thức đầy đủ và chính xác. Ứng dụng được những công nghệ tốt, mang lại sự tiện lợi thông qua những tính năng tuyệt vời sẽ giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm của người dùng. Những nhà thiết kế cần biết để có thể chuẩn bị những gì tốt nhất trong phạm vi của mình. Tất nhiên tính khả dụng của điều này còn phụ thuộc vào khả năng của cả nhóm phát triển sản phẩm. 

Các thiết bị công nghệ chính và những phụ kiện bổ sung cũng rất đa dạng, cả phần cứng lẫn phần mềm.

10. Xác định giá trị của UX

Thiết kế từng được coi là một lĩnh vực hoàn toàn sáng tạo, tập trung vào việc một thứ gì đó trông như thế nào. Nhưng giờ đây, công nghệ đã thay đổi điều đó, dẫn đến sự phân mảnh của các chuyên ngành, những thay đổi và tiến bộ diễn ra liên tục. Kéo theo yêu cầu cao hơn từ cả người dùng và doanh nghiệp. Do đó, vai trò của một chuyên gia thiết kế cũng phải thay đổi. Không còn có thể tạo ra những sản phẩm trông đẹp mắt và gọi nó là một sản phẩm tốt. Sản phẩm đẹp có thể gây ấn tượng với ai đó trong chốc lát, nhưng chúng không tạo ra giá trị lâu dài.

Đó là lý do tại sao các nhà thiết kế UX tuyệt vời tập trung vào giá trị hơn là sự hào nhoáng và biết cách truyền tải tình huống kinh doanh cho công việc của họ. Có những ý tưởng tuyệt vời là một chuyện, nhưng nếu không có khả năng truyền đạt những ý tưởng đó và thu hút sự chú ý, bạn sẽ không đạt được thành công. Những nhà thiết kế cần có kỹ năng kinh doanh, giao tiếp và thuyết trình tốt.

Những nhà thiết kế UX tài năng phải kết hợp được những giá trị kinh doanh vào trong các sản phẩm

11. Hợp tác, phản biện và học hỏi để phát triển

Thiết kế UX ở cấp độ càng cao càng phức tạp. Nó đòi hỏi nhiều kỹ năng và những vấn đề luôn gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Không có sẵn một công thức hay khuôn mẫu nào để đảm bảo một sản phẩm tốt, cũng không có sản phẩm nào là hoàn hảo. Đôi khi, những phương pháp nghiên cứu thông qua các bằng chứng và số liệu cụ thể có thể giải quyết được. Song, một số ý tưởng khi chưa được lượng hóa vẫn sẽ là một đề tài thú vị của những bộ óc nhạy bén. Do đó, việc tranh luận là điều thường xuyên xảy ra trong các cuộc họp, hay các buổi thảo luận, brainstorm.

Những nhà thiết kế UX cấp cao luôn phải có một tư duy cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu thay vì khăng khăng giữ quan điểm của mình. Đây cũng là một trong những kỹ năng của một nhà lãnh đạo (sẽ được đề cập ở ý tiếp theo). Các cuộc thảo luận hoặc thậm chí tranh luận nhằm mục đích xây dựng được khuyến khích. Chúng cần có sự chuẩn bị kỹ càng và phải được diễn ra nhằm một mục đích duy nhất: Tạo ra sản phẩm tốt nhất và đạt được kết quả cao nhất cho tổ chức.

Các cuộc thảo luận hoặc thậm chí tranh luận nhằm mục đích xây dựng được khuyến khích trong đội ngũ

12. Lãnh đạo và trưởng thành

Trong bất kỳ ngành nghề và lĩnh vực nào, những người muốn ở những vị trí cao hơn như cấp quản lý, bên cạnh kỹ năng và kinh nghiệm dày dạn, kỹ năng lãnh đạo luôn là một hành trang cần thiết. Kỹ năng này không tồn tại sẵn, nó cần được học tập và trau dồi, thực hành để đạt được mức độ cần thiết.

Một số nhà thiết kế thích trở thành người đóng góp cá nhân, đưa vào sản phẩm những gì tinh túy nhất của họ. Trong khi một số khác muốn quản lý các dự án và con người. Dù là ở trong vai trò nào, một nhà thiết kế UX ở một vị trí cao muốn đạt được hiệu quả phải có một mức độ trưởng thành và kỹ năng lãnh đạo nhất định. Thiết kế UX luôn có sự liên kết chặt chẽ đến những quá trình xung quanh , sự tiến bộ của bạn phụ thuộc vào khả năng cộng tác giữa bạn và những người bạn làm việc cùng. Kinh nghiệm dày dặn có thể cho phép bạn có tiếng nói, nhưng bạn cũng cần kỹ năng lãnh đạo để khiến mọi thứ trở nên suôn sẻ nhất.

Những nhà thiết kế cao cấp cần có một mức độ trưởng thành về kỹ năng lãnh đạo

Kết luận

Lĩnh vực thiết kế trải nghiệm người dùng luôn vận động và phát triển như một dòng chảy. Các sản phẩm số luôn vấp phải áp lực cạnh tranh và sự đào thải dữ dội. Một sản phẩm tốt ngày hôm nay có thể trở nên lỗi thời, vô dụng vào hôm sau nếu có một sản phẩm thay thế tốt hơn. Điều này đòi hỏi những nhà thiết kế trải nghiệm phải không ngừng học tập và cả tiến, phải mang trong mình tư tưởng: “Sản phẩm tốt nhất là sản phẩm chưa bao giờ được làm ra”.

Thiết kế UX đòi hỏi nhiều kỹ năng vốn có và phải không ngừng trau dồi, học hỏi liên tục.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các bài viết liên quan