Đánh số trang, nút “Tải thêm” và cuộn vô cực

Đánh số trang, dùng nút “Tải thêm” và cuộn vô cực là các phương pháp thường thấy khi quản lý và hiển thị nội dung (sản phẩm, bài viết…) dưới dạng danh sách. Việc lựa chọn phương pháp nào trong 3 phương pháp trên sẽ quyết định đến cách người dùng tương tác với giao diện, từ đó ảnh hưởng khác nhau đến tổng thể trải nghiệm của họ đối với giao diện. Vậy đâu là phương pháp tốt nhất?

Trải nghiệm của người dùng trên giao diện mang tính bối cảnh. Chúng đến từ sự khác nhau giữa người dùng này với người dùng khác (thói quen, mục đích, hiểu biết…), và giữa giao diện này với giao diện khác (trang web báo chí, nền tảng thương mại điện tử…). Do đó, câu hỏi đúng cho vấn đề là: cái nào tốt hơn trong trường hợp nào.

Đánh số trang

Hình dung về một cuốn sách, với số trang ở bên dưới. Việc của bạn trong lúc đọc là lật từ trang này sang trang khác, đánh dấu nó bằng một chiếc kẹp sách để biết mình đang ở đâu và tiếp tục từ đó ở lần tiếp theo.

Website: Amazon

Ưu Điểm

Điều hướng chính xác

Cho phép người dùng xác định vị trí của mình trong nội dung dài. Như một cuốn sách, bạn có thể tiếp tục chính xác tại nơi bạn đã ngừng lại với chiếc kẹp sách. Việc đánh số trang cũng cho phép người dùng có thể tự do lựa chọn bất kỳ vị trí mà họ muốn bắt đầu duyệt tìm nội dung, chẳng hạn bắt đầu từ phần giữa thay vì phải đi theo một trình tự.

Ghi nhớ/đánh dấu thông tin

Như nội dung trang sách được ghi lại vào cuốn sổ tay kèm chú thích số trang. Bạn tìm thấy một sản phẩm ưng ý, tuy nhiên bạn chưa ra quyết định mà muốn xem tiếp những lựa chọn tiếp theo. Lúc này, bạn có thể ghi nhớ sản phẩm đó đang nằm ở đâu và quay lại đó bất cứ lúc nào. Điều này có thể phần nào được giải quyết bằng tính năng wishlist, nhưng nếu wishlist lại yêu cầu những vị khách vãng lai phải tạo tài khoản thì sao?

Dự đoán được nội dung

Khi kết hợp số trang và một cách sắp xếp nhất định, người dùng có thể phán đoán được nhóm nội dung mà họ muốn tìm kiếm. Ví dụ, việc sắp xếp sản phẩm giá từ thấp đến cao theo số trang, người dùng có thể nhanh chóng đến được với nhóm sản phẩm với mức giá họ mong muốn. Tất nhiên điều này có thể được giải quyết bằng bộ lọc trong những trường hợp khác, song, nó đòi hỏi người dùng cần thêm một thao tác, cũng như phải tự định lượng chính xác con số mà họ mong muốn.

Nhược điểm

Tốc độ tải trang

Trong trường hợp người dùng xem nhiều trang và sản phẩm, họ sẽ phải thực hiện thao tác chuyển trang, tải trang liên tục. Điều này sẽ là một rắc rối nếu tốc độ tải trang chậm. 

Trải nghiệm đứt quãng

Sau khi chờ tải lại mỗi lần chuyển trang, người dùng còn phải thực hiện thao tác lướt xuống. Các trang web có header quá dài, hoặc có thêm phần banner ở phía trên sẽ khiến người dùng phải lướt qua lướt lại nó rất nhiều lần trước khi đến với sản phẩm tiếp theo.

Khi nào sử dụng đánh số trang?

Đánh số trang thường phù hợp trong các trường hợp mà người dùng cần xem nhiều nội dung khác nhau một cách cụ thể, hoặc khi cần xác định vị trí của mình trong toàn bộ nội dung. Việc trả các kết quả tìm kiếm theo số trang là điều nên làm. Khi đó người dùng đã có mục đích rõ ràng, định hình được nội dung mà họ muốn xem. Vì thế việc đánh số trang và sắp xếp cách kết quả tìm kiếm giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận nội dung họ hướng đến.

Google là ví dụ điển hình cho đánh số trang để trả kết quả tìm kiếm, sắp xếp theo mức độ liên quan hoặc phổ biến là rất tốt

Nút “Tải thêm

Nút “Tải thêm”, hay “xem thêm” là một phát kiến tuyệt vời. Nó cho phép người dùng trải nghiệm các nội dung một cách liền mạch hơn, giải quyết 2 nhược điểm bên trên của việc đánh số trang. Ngoài ra, các nghiên cứu và thử nghiệm cũng chỉ ra rằng nút “Tải thêm” giữ chân người dùng ở lại lâu hơn và xem nhiều sản phẩm hơn trong nhiều tình huống hơn. 

Website Skechers global sử dụng nút load more 

Ưu điểm

Tăng tương tác với người dùng

Chỉ một quyết định và hành động duy nhất: Bấm vào nút “Tải thêm” , và các kết quả mới đã xuất hiện. Không như ở việc đánh số trang, người dùng không phải suy nghĩ xem mình nên nhấn vào đâu khi xem hết kết quả ở trang hiện tại? Đến một trang cụ thể, hay nhấn vào nút next, hay xem những kết quả cuối cùng? Nhiều lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với khó ra quyết định hơn.

Trải nghiệm liền mạch

Không phải chờ tải lại trang, không cần nhìn lại những nội dung lặp lại thừa thãi. Các kết quả mới lập tực xuất hiện để tha hồ khám phá. Như đã nói ở trên, vấn đề này ở đánh số trang cũng được khắc phục ở nút “Tải thêm”

Tối ưu không gian thiết kế

Với nút “Tải thêm”, các nhà phát triển có thể tự do quyết định số lượng sản phẩm xuất hiện đầu tiên và số lượng “Tải thêm” sau mỗi lần nhấp. Điều này cho phép thiết kế thể hiện một số lượng ít các sản phẩm từ đầu, để tăng sự tập trung vào những sản phẩm nổi bật, cũng như tận dụng không gian thiết kế. Trong khi đó ở đánh số trang, các sản phẩm ở mỗi trang gần như là không đổi.

Nhược điểm

Tiếp cận nội dung chính xác

Người dùng trong trường hợp này không thể định vị vị trí của họ, từ đó khó có thể truy cập chính xác nội dung, hoặc ít nhất là khoanh vùng chúng theo ý muốn. Và trong lần quay lại tiếp theo, nếu người dùng không lưu lại hoặc không nhớ nội dung mà họ đã xem, việc tìm kiếm cũng sẽ khó khăn hơn.

Quản lý nội dung

Khi nội dung ngày càng tăng lên, việc “Tải thêm” có thể khiến người dùng phải thực hiện nhiều thao tác để xem nội dung mong muốn.

Khi nào nên sử dụng nút “Tải thêm”

Lựa chọn sử dụng nút “Tải thêm”  phụ thuộc vào mục tiêu của bạn trong việc tạo ra trải nghiệm người dùng. Nếu bạn muốn tối ưu giao diện và tạo cảm giác tương tác, phương pháp này có thể phù hợp. nút “Tải thêm”  phù hợp với các nội dung đã được phân nhóm, từ đó không có quá nhiều sự khác biệt trong tiêu chí ra quyết định. Nó cho phép người dùng muốn lướt xem những nội dung ngẫu nhiên, đa dạng. Chẳng hạn, trang web Skechers sử dụng nút Load more sau khi người dùng đã vào xem một danh mục cụ thể là giày nam và các sản phẩm lúc này không có sự chênh lệch về giá lớn.

Cuộn vô cực

Cuộn vô cực đơn giản là thay thế nút “Tải thêm” bằng cách tự động tải thêm nội dung khi người dùng lướt đến cuối trang.

Ưu điểm của cách thức này là tạo ra một trải nghiệm mượt mà, liền mạch hơn nữa so với nút “Tải thêm”. Khi mà việc duy nhất người dùng phải làm là tiếp tục cuộn trên máy tính, hoặc lướt (trên điện thoại).

Các vấn đề của cuộn vô cực cũng giống như của nút “Tải thêm”. Tuy nhiên so với nút “Tải thêm” , cuộn vô cực không cho phép người dùng quyết định khi nào họ có thể dừng việc xem thêm lại. Do đó, người dùng sẽ không thể tiếp cận được Footer (chân trang) khi cần, trừ khi họ lướt hết các nội dung.

Chính vì thế, đúng với cái tên cuộn vô cực, nó phù hợp với những dạng nội dung muốn hướng người dùng đến việc xem liên tục, không có footer. Chẳng hạn như các trang mạng xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các bài viết liên quan