Thiết kế trải nghiệm người dùng: Khi thiết kế không còn chỉ là làm cho đẹp

Tóm tắt: 

Steve Jobs từng nói: “Design is not just what it looks like and feels like. Design is how it works”. Thiết kế Trải nghiệm người dùng (User eXperience – UX) có thể xem là một ví dụ điển hình cho phát biểu này. Thiết kế UX thực sự không còn chỉ là việc “làm cho đẹp”. Các Thiết kế được sử dụng trên các thiết bị công nghệ hiện đại, khiến nó cũng mang tính khoa học nhiều hơn nghệ thuật.

Không ai ghé lại một trang web chỉ vì nó đẹp

Con người là giống loài nhanh chán. Một website được thiết kế dù đẹp dù ấn tượng đến đâu cũng không phải là nguyên nhân chính để giữ chân người dùng. Hơn nữa, nếu họ chỉ vào để ngắm thì điều đó cũng chưa thực sự tạo ra giá trị.

Mặc dù những ấn tượng về cái đẹp đó có thể là một động lực để đưa đến những quyết định mua hàng trong tương lai, song chất lượng sản phẩm và trải nghiệm toàn diện mới là thứ đem người dùng trở lại. Vì thế, những nhà thiết kế UX phải giữ chân người dùng của mình bằng những cách khác. 

Thiết kế đẹp thôi là chưa đủ để đạt được những giá trị

Nhà thiết kế UX dần trở thành những T-shaped person

T-shaped person là những người có kiến thức và kỹ năng làm việc “hình chữ T”. Nghĩa là vừa có chiều sâu trong một lĩnh vực, vừa có nhiều kiến thức (không sâu) ở những lĩnh vực lân cận. Chi tiết vai trò của UX designer và mô hình T-shaped đã được trình bày trong bài viết: https://rebo.vn/ux-design/vai-tro-ca-ux-designer-trong-cac-loa-hinh-cong-ty.html.

Vì sao điều này lại xảy ra? Quy trình thiết kế và phát triển sản phẩm bắt buộc phải luôn có sự liên kết với những bộ phận khác trong tổ chức. Một sản phẩm được tạo ra để phục vụ người dùng nhưng đồng thời cũng phải gặt hái được những kết quả mà tổ chức kỳ vọng. Do đó, những nhà thiết kế phải làm việc với nhiều bộ phận với nhiều loại thông tin đầu vào (input) khác nhau. Đó là những mục tiêu kinh doanh từ bộ phận kinh doanh, là những kết quả nghiên cứu thị trường từ bộ phận marketing,… trước khi phải đưa ra những outputs của chính họ về nghiên cứu người dùng (UX research), phương pháp đánh giá sự thành công của sản phẩm (success methods)… Với lượng thông tin đầu vào khổng lồ, nhiều dạng và những sản phẩm đầu ra cũng thế những nhà thiết kế UX phải biết phân tích, tính toán nhiều hơn.

Một ví dụ T-shape model của UX

Với lượng công việc như thế, dù có là T-Shaped person cũng khó lòng có thể đảm nhiệm được. Thiết kế UX cần phải có một đội. Khi đó, Leader hẳn phải là người có lượng kiến thức và kinh nghiệm vô cùng dày dặn.

Phẩm chất của các nhà thiết kế UX

Bên cạnh sự đa dạng về kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nhà thiết kế UX cần phải có những phẩm chất phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu của công việc, cũng như hướng tới bậc cao hơn của sự nghiệp.

Phạm vi rộng lớn của thiết kế UX đòi hỏi những nhà thiết kế cần có những phẩm chất phù hợp

Khách quan

Nghiên cứu (UX research) là một bước quan trọng trong thiết kế UX. Kết quả của những nghiên cứu về người dùng này sẽ là cơ sở để thực hiện những bước thiết kế tiếp theo. Để có được những kết quả nghiên cứu phù hợp, những nhà nghiên cứu phải đặt mình hoàn toàn vào vị trí người dùng, loại bỏ hoàn toàn cái tôi của họ để có thể khắc họa chính xác chân dung của người dùng. 

Đôi khi, những nhà nghiên cứu phải đưa ra một số những giả thuyết xoay quanh người dùng. Thiếu khách quan có thể gây ra hiệu ứng thiên kiến xác nhận (confirmation bias). Khi đó, những giả thuyết sẽ không thực sự phản ánh chính xác được những gì sẽ xảy ra đối với đám đông người dùng.

Người dùng luôn là trung tâm của thiết kế

Nhạy bén

Kể cả khi có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng đến đâu thì vẫn luôn có những biến số xảy ra trong thực tế. Một sự cố đủ lớn có thể phá hủy những nỗ lực trước đó. Chính điều này đòi hỏi những nhà thiết kế phải là những người thực sự nhạy bén để có thể đưa ra được những phán đoán tình huống chính xác cũng như có thể giải quyết nhanh chóng những biến số trên khi chúng xảy ra.

Sự nhạy bén cũng là điều cần thiết trong bối cảnh mà những sự thay đổi ngày càng diễn ra nhanh chóng. Một phát minh mới hôm nay có thể trở nên lỗi thời ngay hôm sau. Sự phát triển theo cấp số mũ của khoa học – công nghệ đòi hỏi nhà thiết kế UX phải liên tục cập nhật, đón đầu xu hướng, cũng như nhận diện được những vấn đề có thể xảy ra và biến chúng thành cơ hội.

Những nhà thiết kế UX phải là những người nhạy bén với xu hướng, thị trường

Sáng tạo

Không có công thức cho những phát minh mới. Chúng xuất phát từ những ý tưởng nảy ra từ những bộ óc phong phú, chịu khó tìm tòi. Những trải nghiệm thú vị là điều mà người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ rất ưa thích. Đôi khi nó không cần phải là thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ, có thể chỉ là một cách tốt hơn giải quyết một vấn đề cũ, hoặc một “nỗi đau” nhỏ nhưng âm ỉ. 

Sáng tạo là tố chất không thể thiếu của những nhà thiết kế trải nghiệm

Tinh tế

Các sản phẩm thiết kế hoàn toàn có thể truyền tải nội dung cụ thể, dẫn dắt cảm xúc của người dùng – thứ có thể tác động rất nhiều đến trải nghiệm của họ. Sự đồng cảm, hài lòng ở một nội dung nào đó có thể làm tăng sự ủng hộ của người dùng đối với sản phẩm. Ngược lại, một chút khó chịu khi người dùng cảm thấy bị làm phiền bởi một pop-up bất ngờ xuất hiện có thể khiến trải nghiệm tuyệt vời trước đó lập tức tan biến.

Thiết kế UX là dành cho sự tương tác của người dùng. Những yếu tố hành vi, thói quen cũng rất được quan tâm để nâng cao tương tác, trải nghiệm. Các nghiên cứu về tâm lý, công thái học cũng từ đây mà ra. Nhà thiết kế cần nắm bắt, tận dụng các yếu tố này, cài cắm những tình tiết vào thiết kế để dẫn dắt người dùng một cách tinh tế.

Kết luận

Thiết kế Trải nghiệm người dùng trong bối cảnh hiện đại đang dần chứng minh tầm quan trọng của mình. Thậm chí, nó còn được xem xét như là một trong những yếu tố cạnh tranh của tổ chức. Điều này hoàn toàn hợp lý khi các tổ chức đang hướng nhiều hơn tới những sản phẩm số, những “hệ sinh thái” số. Những nhà thiết kế trải nghiệm người dùng trở thành vị trí được săn đón nhiều hơn bao giờ hết. Để đảm đương được một vị trí như thế đòi hỏi sự kết hợp giữa những phẩm chất đã được liệt kê, với kinh nghiệm dày dặn và lượng kiến thức phong phú trong nhiều lĩnh vực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các bài viết liên quan