Tóm tắt
Những ấn tượng ban đầu là rất quan trọng để tạo ra một phản ứng tích cực cùng sự ủng hộ của người dùng đối với sản phẩm. Đồng thời nó cũng là một ý tưởng tốt để thu thập những dữ liệu quan trọng về hành vi người dùng, vì hầu như tất cả mọi người đều sẽ ở lại ứng dụng cho đến hết các bước onboarding.
Định nghĩa
User onboarding là cách một sản phẩm thiết kế “tự giới thiệu” mình với người dùng. Những nhà phát triển sản phẩm sẽ thiết kế sẵn các bước, để từng bước một dẫn dắt người dùng đến với công trình của họ. Mục đích chính của Onboarding là giúp người dùng hiểu được cách thức sản phẩm hoạt động cũng như những gì nó có thể làm được.
Vì sao Onboarding quan trọng?
Giới thiệu và làm quen
Khi gặp phải một sản phẩm mới, người dùng sẽ thường (1) tưởng tượng về nó dựa trên những kiến thức và hiểu biết liên quan của họ, (2) sao chép, hình dung sản phẩm dựa trên những sản phẩm tương tự. Dù ở trường hợp (1) hay (2) thì việc giúp người dùng làm quen với sản phẩm mới, cách dùng mới cũng là điều cần thiết để giúp người dùng khỏi bỡ ngỡ.
Buổi “hẹn hò” đầu tiên
Chúng ta hay nói về ấn tượng đầu, nó là một yếu tố quan trọng quyết định thái độ của một người. Đó là lý chúng ta thường mất hàng giờ để chuẩn bị cho buổi hẹn đầu tiên. Tổ chức bối cảnh, chăm chút ngoại hình, chuẩn bị cho nội dung… nhằm gây ấn tượng với đối phương.
Một ứng dụng cũng thế. Việc khiến người dùng tròn mắt với những gì nó có thể thực hiện được ngay từ lần đầu tiên, sẽ giúp họ có một sự hứng thú, sẵn sàng cho những trải nghiệm tiếp theo với một tâm thế thích cực.
Tạo cho người dùng được ấn tượng tốt ở giai đoạn đầu sẽ giúp bạn có được sự ủng hộ của họ. Điều này sẽ làm cho người dùng tích cực hơn, họ có thể dành một sự ưu ái và dễ tính hơn. Một số lỗi nhỏ nhặt có thể được bỏ qua, một số tính năng chưa thực sự tốt có thể được châm chước.
Người dùng ngại thay đổi
Khi bạn có thể xuất hiện sớm và làm người dùng tin tưởng bạn, đó sẽ là một lợi thế tuyệt vời trước những đối thủ khác. Phần lớn người dùng ngại thay đổi, đặc biệt là nhóm người dùng lớn tuổi. Họ thường sẽ chấp nhận “sống chung với lũ”, nếu như đó không phải là những nỗi đau quá lớn, thay vì phải cố gắng để học làm quen với một cái mới.
Điều này có nghĩa là bạn có thêm thời gian để khắc phục và trở nên tốt hơn, chứ không phải là mặc kệ nó.
Onboarding sao cho hiệu quả?
Đảm bảo một thời lượng vừa đủ
Dẫn dắt người dùng qua từng bước là một điều cần thiết. Song, quá trình onboarding cũng cần đảm bảo một thời gian hoàn thành để người dùng có thể bắt đầu tự do khám phá, sử dụng theo cách của mình. Các hướng dẫn quá dài có thể sẽ gây ra sự “ngán ngẩm”, người dùng có khi sẽ cảm thấy bị đánh giá thấp về khả năng của họ.
Cho phép trải nghiệm gói cao cấp để dùng thử
Spotify, Netflix,… là những trường hợp phổ biến làm điều này. Vấn đề ở đây khá đơn giản. Nếu ai đó có thể thấy sản phẩm hữu ích và thú vị như thế nào đối với họ trong thời gian dùng thử miễn phí, thì điều đó có thể đưa họ từ người dùng trở thành người tiêu dùng — sẵn sàng đầu tư để tiếp tục trải nghiệm
Một số kỹ thuật cơ bản giúp nâng cao user onboarding
- Đăng nhập một lần, và có thể đăng nhập thông qua những tài khoản phổ biến (Gmail, Facebook,…)
- Hướng dẫn step-by-step qua từng thao tác, để người dùng biết chính xác họ phải làm gì.
- Giữ mọi thứ đơn giản. Đúng vậy, ngay từ khi bắt đầu hãy để người dùng cảm thấy rằng đây là một sản phẩm dễ sử dụng. Vì bất kỳ sản phẩm nào, ngoài mục đích giải trí đều luôn cần ưu tiên tính dễ sử dụng.
Kết luận: Cẩn trọng
Việc tạo ra những ấn tượng tốt cũng sẽ nâng cao kỳ vọng của người dùng ở những trải nghiệm sau đó. Nếu như những kỳ vọng này không được đáp ứng một cách thỏa đáng, người dùng sẽ dễ dàng bị thất vọng cao độ và dẫn đến rời bỏ. Do đó, khi bạn đã có những bước đà tuyệt vời, hãy đảm bảo rằng những gì sau đó cũng đã được làm tốt, nếu không nó sẽ là con dao hai lưỡi.