UX trong Video Game

Video game – ngành công nghiệp không mới nhưng cũng chưa bao giờ lỗi thời!

Xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, Video game đến nay vẫn không ngừng tăng trưởng. Theo Báo cáo thị trường game toàn cầu của NewZoo, tổng doanh thu ngành game trong năm 2020 đạt xấp xỉ 160 tỷ USD. Con số này có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2023, dựa theo tốc độ tăng trưởng hiện tại. Những ông lớn trong ngành công nghiệp game có thể kể đến như Microsoft, Nintendo, Tencent, Sony với doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đô (năm 2020). Nguồn doanh thu có thể đến từ việc mua bán bản quyền game, phân phối đến người chơi, kinh doanh các hệ máy chơi game (console) và các thiết bị đi kèm, giao dịch vật phẩm trong game. 

Playstation 5, hệ máy chơi game mơ ước đối với mọi game thủ của nhà Sony

Hằng năm, có hàng nghìn công ty trong lĩnh vực sản xuất, phân phối video game ra đời. Cùng với sự phát triển như vũ bão của các thiết bị công nghệ và internet, ngành video game chắc chắn vẫn sẽ phát triển và đạt những bước tiến trong tương lai. Ước tính số lượng những người chơi Video game (gamer) trên thế giới vào năm 2025 có thể đạt 3 tỷ người. Có nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của ngành Video game. Bài viết này tập trung vào UX và những vấn đề mà các nhà làm game quan tâm để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho game thủ.

Những nét đặc biệt của UX design trong Video game

  1. Không phải User, là Player và Gamer

Những người chơi game không được gọi là user (người dùng), họ được gọi là những player. Player là cách gọi chung tất cả những người chơi video game, không phân biệt mục đích. Có người xem đó là một sở thích, là cách để tìm kiếm niềm vui (find fun) hoặc kiếm thêm bạn bè, có người chơi game như một thói quen (behavior) để giết thời gian… 

Gamer cũng là những player, nhưng họ dành nhiều thời gian hơn để chơi game nhằm đạt những mục tiêu cao hơn là giải trí đơn thuần như thi đấu, kiếm tiền,… Có thể nói gamer cũng là một nghề mặc dù sự thừa nhận và việc đánh giá nó về mặt đạo đức có sự khác nhau giữa các quốc gia. Richard Tyler Blevins, người thường được biết đến với cái tên “Ninja” và nổi tiếng với trò chơi Fortnite từng kiếm được gần 10 triệu đô la Mỹ trong năm 2018 chỉ nhờ việc chơi game mỗi ngày.

Richard Tyler “Ninja” Blevins
  1. Player goal và endpoint.

Như đã đề cập ở trên, mục đích chơi game của mỗi người chơi là rất khác nhau. Cùng với cá tính và phong cách khác biệt khiến cho trải nghiệm của mỗi cá nhân về game cũng khác nhau. Vì vậy, mặc dù cùng chung một lĩnh vực nhưng những sản phẩm trong ngành game được thiết kế đa dạng. Tuy nhiên, điểm chung của đa số người chơi là ”cảm giác thỏa mãn” khi đạt được những cột mốc, kết quả nào đó. Nhà thiết kế game phải tính toán tỉ mỉ để làm thỏa mãn người chơi, giữ chân họ đủ lâu trước khi họ đi đến điểm kết thúc (nếu như nó có tồn tại), và đồng thời cũng phải đạt được kết quả mà đơn vị làm game mong muốn (doanh thu). 

Đôi khi, một trò chơi không cần phải quảng cáo quá rầm rộ và thiết kế phức tạp nhưng vẫn đạt được doanh thu khủng. Candy Crush là một ví dụ như vậy, một mobile game với cách chơi đơn giản và thiết kế hình ảnh ở mức cực kỳ nhẹ nhàng này đã kiếm về cho hãng King Mobile trung bình hơn 1 tỷ đô hằng năm trong ba năm gần đây.

Trò chơi xếp kẹo Candy Crush Saga
  1. Mức độ tương tác cao và trải nghiệm toàn diện!

Trải nghiệm chơi game không giống việc trải nghiệm bất kỳ một sản phẩm công nghệ nào khác. Người chơi game không chỉ nhìn hình ảnh, nghe âm thanh mà còn phải liên tục thao tác để tương tác với game bằng các thiết bị điều khiển (bàn phím, chuột, tay cầm…). Bên cạnh đó, cảm xúc của người chơi cũng có thể được dẫn dắt bởi những nhà thiết kế nội dung thông qua cốt truyện của trò chơi. Điều đó đôi khi khiến những nhà làm game phải đau đầu, bởi họ phải thiết kế nội dung của mình thật chỉn chu, mạch lạc như một bộ phim (thậm chí là hơn thế nữa). Do đó, các giải thưởng dành cho Video game cũng có nhiều hạng mục từ Thiết kế hình ảnh, âm thanh, đến cốt truyện, những sáng kiến, cơ chế mới…

Red Dead Redemption 2, tựa game mang đến trải nghiệm như đời thật
  1. UI chỉ là vấn đề vặt vãnh…

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng nói như thế là hơi quá, tuy nhiên nó đúng là như vậy. Mặc dù giao diện là thứ mà người chơi sẽ trải nghiệm từ những bước tiếp cận đầu tiên như trailer, thumbnail, hình ảnh in-game…và xuyên suốt hành trình chơi game. Song, điều đó sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu đó là một trò chơi nhàm chán hoặc quá nhiều lỗi.

Cộng đồng player và gamer là những cộng đồng khá đoàn kết, nếu một trò chơi bị đánh giá thấp về mặt lối chơi, cốt truyện, âm thanh thì dù hình ảnh và chuyển động của nó có tốt tới đâu cũng sẽ thất bại. Rất nhiều trò chơi khi được giới thiệu được kỳ vọng sẽ là “bom tấn” với mức đầu tư khủng, công nghệ tiên tiến, giao diện thật đến chân tơ kẽ tóc và rồi tất cả cũng chỉ dừng lại ở kỳ vọng. Ngược lại, một số tựa game dù hình ảnh trông cũ kỹ, sử dụng công nghệ của những thập niên trước, nhưng lại gặt hái rất nhiều thành công và sự ủng hộ của cộng đồng bằng các yếu tố khác. Có thể kể đến tựa game từng làm mưa làm gió Minecraft, hay những bom tấn đình đám khác như Terraria, Don’t Starve, Stardew Valley…

Minecraft, tựa game đình đám với hình ảnh phong cách pixel 3D
  1. Game testing

Khái niệm Usability Testing và tầm quan trọng của nó có lẽ không còn xa lạ trong UX design. Usability Testing đảm bảo rằng các tác vụ của user trên sản phẩm có thể được hoàn thành mà không gặp phải những lỗi về mặt logic hoặc tương tác. Với cùng mục đích như vậy, nhưng việc testing một game sẽ phức tạp hơn rất nhiều và hậu quả của nó cũng lớn hơn. Nếu như một tác vụ nhất định của người dùng trên một website hoặc ứng dụng bị lỗi, các nhà phát triển có thể nhanh chóng phát hiện nguyên nhân và sửa chữa nó. Tuy nhiên, chơi game là một quá trình xuyên suốt và kéo dài liên tục, kết quả có thể được tạo ra bởi rất nhiều những biến ngẫu nhiên trước đó. Do đó việc lường trước tất cả các tình huống xảy ra gần như là điều không thể.

Những lỗi trong quá trình phát triển sẽ tạo ra các bug trong game. Bug game có thể xảy ra trong quá trình chơi game hoặc khi người dùng sử dụng một tính năng nào đó (save, load, backup…). Bug có thể hủy hoại một game, phá hỏng trải nghiệm chung của người chơi đối với game đó, kể cả trước đó nó có tốt ra sao. Nhà làm game nào cũng muốn trò chơi của mình sẽ chạy trơn tru bằng cách cố gắng lường trước tất cả những tình huống có thể xảy ra, tuy nhiên người chơi game cũng rất thông minh và sáng tạo! Vì thế, bộ phận tester của một nhà thiết kế game phải là những người vô cùng xuất sắc và kỹ tính.

Hmm… hình như chú ngựa này bị thiếu mất đôi cánh, chắc là lỗi do thiết kế (Game: The Witcher 2)
  1. UX Research

Bộ phận UX research trong một công ty thiết kế game là một bộ phận rất được quan tâm. Nghiên cứu trải nghiệm người chơi sẽ là tiền đề cho việc tiến hành thiết kế và là cơ sở tác động đến phản ứng của người chơi. Quá trình research không kết thúc ngay sau khi sản phẩm hoàn thành. Thông thường, mỗi trò chơi trước khi ra mắt chính thức đều phát hành trước demo – bản chơi thử để thăm dò ý kiến của người chơi. Những người chơi này cũng được chọn lọc có tiêu chí để đảm bảo rằng họ có thể đem lại những phản hồi mang tính đóng góp và khách quan nhất. Đôi khi, việc làm này còn giúp nhà sản xuất phát hiện ra các lỗi và bug của game để có những chỉnh sửa kịp thời.

Có khi nào “cuộc đời kỳ lạ” của mỗi chúng ta cũng chỉ đang là bản Demo…?

Tổng kết

Video game là một trường hợp đặc biệt trong thiết kế UX. Có thể nói rằng UX trong trò chơi điện tử là sự kết giao giữa nghệ thuật của các nhà thiết kế với nhận thức của người chơi. Các yếu tố khác biệt đòi hỏi những nhà thiết kế game không chỉ có óc sáng tạo về mỹ thuật mà còn phải có lượng kiến thức và kinh nghiệm phù hợp để có thể mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người chơi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các bài viết liên quan