“Người thợ mộc giỏi không sử dụng miếng gỗ tồi cho tấm lát sau lưng tủ cho dù chỗ đó không ai nhìn thấy…”
– Steve Jobs –
Thiết kế UX/UI là một công việc nghe rất kêu và thời thượng. Đó là làm về trải nghiệm, sáng tạo, thẩm mỹ hay nghệ thuật. Nhưng cũng chính vì những mỹ từ như thế lại khiến chúng ta bỏ quên những công việc nhỏ nhặt. Và từ chính quan sát của chúng tôi, chúng ta thường bỏ quên hoặc phớt lờ đi việc đặt tên trong quá trình thiết kế, tuy nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng. Cứ xem file thiết kế như một khu vườn, thì khu vườn đó cần được săn sóc từ những điều nhỏ nhất.
Chúng ta cần dành thời gian để thiết kế những điều lớn lao hơn, sáng tạo hơn, có thẩm mỹ hơn. Vì thế, việc đặt tên thường được để … sau cùng – khi mà những thiết kế gần như hoàn thành. Điều này hoàn toàn không đúng. Không ai đợi đến cuối cùng rồi mới sắp xếp công việc gọn gàng và gọi đó là chủ động cả. Sự chủ động luôn là ngay tại điểm hoặc thậm chí là phải trước đó một vài bước. Nhà thiết kế trước đó cũng phải là một người thợ. Cũng phải rất tỉ mỉ, chi tiết và nhỏ nhặt từng tí một.
Đặt tên trước một vài thành phần có vẻ là ít nhưng vài thành phần mỗi ngày, mỗi thiết kế là điều cực kỳ lớn. Điều này không chỉ giúp ích trong việc xây dựng, duy trì và mở rộng dự án thiết kế, mà còn trong việc tạo ra một quy trình làm việc hiệu quả và tăng cường sự hợp tác giữa các thành viên trong đội ngũ phát triển.
- Đồng nhất và dễ hiểu: Cách đặt tên phải tuân thủ một quy ước nhất định để tạo ra một hệ thống đồng nhất. Khi các layer được đặt tên một cách rõ ràng và mô tả chính xác chức năng và nội dung của chúng, người thiết kế khác hoặc các người lập trình khác có thể nhanh chóng hiểu được cấu trúc của giao diện và tìm kiếm, chỉnh sửa các layer một cách dễ dàng. Điều mà các bạn mới luôn băn khoăn là đặt tên thế nào cho đúng. Nhưng thực tế, không có một công thức chính xác nào cả. Điều quan trọng hơn trong việc đặt tên là chúng ta và đội ngũ hiểu điều đó là gì. Mục tiêu là make same page cho toàn bộ team, vì vậy sự phù hợp được ưu tiên hơn là tính đúng đắn của một công thức nào đó.
- Dễ truy xuất: Khi một dự án phát triển, việc cải tiến giao diện là điều không thể tránh khỏi. Bằng cách đặt tên các thành phần một cách logic và có tổ chức, chúng ta có thể nhanh chóng xác định những thành phần cần thiết để thay đổi hoặc sửa lỗi. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức và đảm bảo rằng sự phát triển của giao diện diễn ra một cách suôn sẻ.
- Tích hợp và tương tác: Khi chạy Prototype thường rất cần đồng bộ về tên giữa các thành phần. Bằng cách đặt tên các thành phần một cách mô tả chính xác chức năng và vị trí của chúng, chúng ta có thể dễ dàng xác định các tương tác giữa các thành phần và tích hợp chúng một cách hiệu quả. Điều này giúp đảm bảo rằng giao diện hoạt động một cách chính xác và liền mạch.
- Chuyên nghiệp: không ai định nghĩa chính xác chuyên nghiệp là như thế nào. Nhưng mỗi chúng ta đều có những tiêu chuẩn riêng của mình, ít nhất là những tiêu chuẩn tối thiểu. Tôi tin rằng không ai trong chúng ta hài lòng một file thiết kế đẹp nhưng các thành phần được đặt tên những cái tên mặc định như Frame 14, Group 32, Rectangle 7, Line 10, …
Làm việc nhỏ với trái tim lớn. Những thứ nhỏ nhặt, mirco luôn chui rèn những phẩm chất của một nhà thiết kế một cách tốt nhất. Tôi không biết bạn bay bỏng với các ý tưởng tuyệt vời thế nào, hay bạn có rất nhiều năm kinh nghiệm ra sao. Hãy làm đến đâu, đặt tên đến đấy. Đó là điều nhỏ nhất tôi tin rằng một nhà thiết kế tốt cần có.