Thiết kế – dù là trải nghiệm, giao diện, hay sản phẩm đều gắn liền với tính chất của sáng tạo và mỹ thuật. Đó là công việc được biết đến thiên về nghệ thuật nhiều hơn là khoa học. Các nhà thiết kế thường có cái tôi và các tiêu chuẩn cao. Giao diện đẹp, chất lượng tốt, thiết kế chỉn chu.
Cách mà hầu hết các bạn fresher luyện tập là thiết kế riêng một ý tưởng của chính mình. Tuy nhiên, đó cũng chính là nguồn cơn của các khó khăn mà các bạn gặp phải. Luôn có một khoảng cách rất lớn giữa năng lực thiết kế tại thời điểm đó với những ý tưởng mà các bạn muốn thiết kế. Kinh nghiệm ít, cảm quan thiết kế chưa nhiều, kỹ thuật ở mức cơ bản, … và ti tỉ những thứ khác các bạn cần phải học để thiết kế được một giao diện ra trò. Rõ ràng việc thiết kế một ý tưởng riêng hoàn toàn là việc quá sức, hoặc ít nhất đó là cách tiếp cận chưa phù hợp đối với các bạn mới bắt đầu hành trình. Vì vậy, khoan hãy để tâm quá nhiều đến tính độc đáo, riêng biệt của ý tưởng. Mã hãy tập trung vào cải thiện và làm chủ với các công cụ thiết kế và các hình dạng thiết kế quen thuộc, có sẵn.
Cách tư duy và tiếp cận ngược lại lại hiệu quả và phù hợp hơn nhiều.
Hãy bỏ hết những mỹ từ về sáng tạo, chất riêng mỹ miều về thiết kế của chính mình. Và hãy bắt chước một thiết kế nào đó. Thay vì bơi trong không gian rộng lớn về thiết kế một ý tưởng. Hãy thiết kế một ý tưởng có sẵn, và học từ quá trình thiết kế đó. Mục tiêu là bắt tay vào thiết kế, học được điều gì đó (bất kể là điều gì), và cải thiện chất lượng thiết kế theo từng vòng nhỏ. Bạn có thể bắt đầu từ một thiết kế bạn thấy thích thú. Hoặc bắt chước những thiết kế của những ông lớn. Google, Apple, Facebook, Uber, Jira, … tất tần tật ông nào làm thế nào, bạn làm thế đó. Điều quan trọng là đẩy nhanh quá trình từ 0 đến 1, quá trình thành thạo từ kỹ thuật tới tư duy. Thay vì mục tiêu phải là một sản phẩm hay thiết kế nào đó của riêng mình.
Bắt chước không phải là vấn đề nếu mục tiêu là ít nhất lao vào thực hành và học hỏi. Bắt chước chỉ là vấn đề khi bạn che giấu hoặc tránh né việc bắt chước.