Graphic Designer và UI Designer khác nhau thế nào?

Tóm tắt

Trước đây, khi nói về thiết kế phần lớn mọi người sẽ nghĩ ngay đến thiết kế đồ họa. Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại số với những sự phát triển vượt trội về công nghệ và dần trở thành những “công dân số”. Vì vậy, những nhà thiết kế cũng trở thành “những nhà thiết kế số”, với những lĩnh vực đa dạng hơn. Thiết kế giao diện người dùng (UI design) là một trong số đó.

Định nghĩa

Nhà thiết kế đồ họa – Graphic designer

Nhà thiết kế đồ họa là người sử dụng kết hợp kỹ thuật đồ họa cùng với các nguyên liệu cho thiết kế như màu sắc, chữ, hình ảnh… để tạo ra những sản phẩm đồ họa (Graphic). Họ là những người sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa (Adobe Photoshop, Adobe Illustration,…), và có kiến thức, tư duy về đồ họa.

Các sản phẩm đồ họa thường là những sản phẩm phục vụ công tác truyền thông (logo, poster, banner,…) hoặc các mục đích nghệ thuật khác.

Thiết kế trong thời đại số cũng thay đổi và đa dạng hơn

Nhà thiết kế giao diện – User Interface designer

Nhà thiết kế giao diện cũng sử dụng những nguyên liệu như màu sắc, chữ hình ảnh… để thiết kế, song sản phẩm của họ không sử dụng nhiều kỹ thuật đồ họa, mà tập trung vào bố cục và tổ chức các thành phần.

Nhà thiết kế tập trung vào phần hình ảnh trên những sản phẩm kỹ thuật số cụ thể. Nó có thể là website, ứng dụng di động, ứng dụng trên Smart TV, hoặc những sản phẩm công nghệ tương tự. Các giao diện này thường cho phép người dùng tương tác với sản phẩm.

Những điểm khác biệt chính

Tính tương tác

Như đã đề cập ở trên, các sản phẩm đồ họa thường phục vụ mục đích truyền thông hoặc nghệ thuật. Nó sẽ truyền tải một nội dung, thông điệp cụ thể đến đối tượng mà nó hướng đến. Những gì mà đối tượng nhận được có thể được hiểu theo cách của riêng họ, và dù thế nào đi nữa họ cũng chỉ là khán giả của những tác phẩm này.

Các thiết kế giao diện cho phép người dùng tương tác với sản phẩm

Thiết kế giao diện trên những sản phẩm cụ thể cho phép người dùng có thể tương tác với sản phẩm bằng nhiều cách (chuột máy tính, màn hình cảm ứng, remote TV,…). Và những sản phẩm này cũng chịu trách nhiệm phản hồi lại những gì mà đối tượng đã tương tác, cũng thông qua giao diện. Vì trực tiếp sử dụng sản phẩm, họ không còn là khán giả mà là người dùng (user).

Tính mỹ thuật và tính dùng

Các sản phẩm đồ họa quan tâm đến việc làm sao để thu hút người xem, truyền tải những thông điệp thú vị và cảm xúc mạnh mẽ. Họ sẽ vận dụng tối đa kỹ thuật đồ họa để làm cho sản phẩm trở nên thật sự bắt mắt hoặc ấn tượng.

Trong khi đó, thiết kế giao diện quan tâm đến việc làm sao để tương tác với người dùng tốt nhất. Giúp họ sử dụng sản phẩm một cách dễ dàng, thuận tiện nhất. Vì thế, các nhà thiết kế giao diện thường chú trọng đến tính dùng của sản phẩm. Biến nó thành một thiết kế tốt trước khi nói đến cái “đẹp”.

Thiết kế UI đòi hỏi tính dùng cao

Nghệ thuật và khoa học

Các nhà thiết kế đồ họa có thể tự do thể hiện cá tính và phong cách thiết kế, miễn là nó phù hợp với mục đích và thông điệp truyền tải. Sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ, màu sắc mang tính truyền cảm mạnh mẽ. Không có ranh giới cho tư duy sáng tạo. Do đó, thiết kế đồ họa mang đậm tính nghệ thuật.

Thiết kế giao diện cần quan tâm đến người dùng nhiều hơn. Nó đòi hỏi những nhà thiết kế phải hiểu về người dùng, cân đối giữa những ý tưởng sáng tạo với tính dùng. Từ đó đi đến những nghiên cứu về tâm lý, hành vi, thói quen… của người dùng, khiến lĩnh vực này mang tính học thuật – khoa học nhiều hơn.

UI design quan tâm nhiều đến User

Làm việc cá nhân và làm việc theo đội

Quy mô và khối lượng của những sản phẩm đồ họa thường không nhiều như những sản phẩm giao diện. Sản phẩm đồ họa mang đậm dấu ấn cá nhân, do đó, những nhà thiết kế đồ họa thường làm việc độc lập hoặc quy mô nhóm tối thiểu.

Graphic designer thường làm việc độc lập hoặc với nhóm quy mô nhỏ

Thiết kế giao diện thường phải làm việc theo đội nhóm, có tổ chức và hệ thống. Bên cạnh việc những sản phẩm này thường có quy mô lớn hơn, nó là phần không thể tách rời khỏi thiết kế trải nghiệm người dùng (UX design) và phát triển sản phẩm (development). Do đó, đội thiết kế cũng cần có quy trình làm việc cụ thể, nhất quán.

UI design là bước không thể tách rời khỏi những quy trình khác

Kết luận

Mặc dù là đều là những sản phẩm kỹ thuật số, thông qua việc sử dụng những phần mềm, công cụ thiết kế để kết hợp các nguyên liệu (hình ảnh, màu sắc, chữ viết…). Song, vì mục đích thiết kế không giống nhau nên quá trình làm việc và thành phẩm cũng khác nhau. 

Do đó, để có thể có cách tiếp cận công việc và làm ra sản phẩm phù hợp, những nhà thiết kế cần hiểu biết, tư duy đúng đắn về lĩnh vực của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các bài viết liên quan